Hiroya Oku

89 điểm 19 đề cử 10626 lượt xem
Tên thật Hiroya Oku
Sống tại Fukuoka, Fukuoka, Nhật Bản
Quốc tịch Nhật Bản
Tình trạng Còn sống
Ngày sinh 16/09/1967

Giới thiệu về tác giả Hiroya Oku

Sớm thành công với sự nghiệp sáng tác truyện tranh với giải nhì cuộc thi Youth Manga Awards vào năm 1988, trải qua quá trình sáng tạo kiên trì, bền bỉ, cái tên Hiroya Oku ngày càng khẳng định vị thế trong lòng độc giả yêu truyện tranh với những tác phẩm giàu ý nghĩa và giá trị nhân văn. Nhắc đến Hiroya-sensei, có lẽ không thể không kể đến hai siêu phẩm GantzInuyashiki. Nhưng hôm nay, hãy cùng Takoyaki điểm qua từng bộ truyện đánh dấu cột mốc sáng tác của mangaka Hiroya Oku nhé.

I. Hen (1988-1997)

Bộ truyện tình yêu lãng mạn dài hơi đầu tay của Hiroya Oku đánh dấu con đường phát triển của ông ở làng mangaka, gồm 2 phần truyện song đều đề cập đến những khía cạnh của làng phim: diễn viên và đạo diễn. Phần thứ nhất đạo diễn là nam với sự xuất hiện của hai nữ diễn viên đều còn trong lứa tuổi cắp sách đến trường. Phần thứ hai đổi ngược lại, đạo diễn là những cô gái.

Dẫu gặp nhiều hạn chế trong sự rối rắm ở cốt truyện, quá nhiều tình tiết 18+ và nét vẽ còn thô, tỉ lệ người không cân đối nhưng rõ ràng, Hen là khởi đầu đồng thời cũng là cơ sở cho Hiroya-sensei xây dựng cá tính nhân vật, phát triển tính cách cũng như tình cảm con người.

II. Zero One (1999-2000)

Bộ truyện 3 tập này kể về Nero Isurugi, một cậu bé có khả năng trên mọi lĩnh vực nhưng luôn phải đối mặt với yêu cầu tìm kiếm năng lực của người cha cùng nỗi dằn vặt trong yêu cầu tìm kiếm bạn bè của người mẹ. Điều đó luôn khiến Nero gặp mâu thuẫn và không khí trong gia đình cậu mỗi khi nhắc đến vấn đề này đều vô cùng căng thẳng.

Ngày nọ Nero biết đến MBZ, một loại game chiến đấu nhập vai. Nhưng phải nhờ đến những sự tình cờ ngẫu nhiên, Nero mới thực sự tiếp cận với MBZ để rồi gắn bó với nó. Tại thế giới của trò chơi này, dường như lần đầu tiên cậu bé tìm thấy con người, tìm thấy năng lực và nhất là gặp được những người bạn thấu hiểu con người cậu, vui cùng một niềm vui với cậu, cùng kề vai sát cánh đến cùng một mục tiêu đã định.

Với kinh nghiệm từng hợp tác thiết kế nhân vật cho một số tựa game như Xbox 360, PlayStation 3, Shura… Hiroya-sensei đã tạo dựng được một thế giới game MBZ khá sống động. Và dẫu bị đánh giá là không thành công, flop, phải kết thúc đột ngột và cục súc thì cũng không thể phủ nhận vai trò tiên phong của Zero One trong tạo hình nhân vật, những phân cảnh chiến đấu hay sự phát triển cốt truyện.

III. Gantz (2000-2013)

Bộ truyện dài hơi nhất đồng thời cũng là bộ truyện đánh dấu tên tuổi của Hiroya Oku trong lòng công chúng yêu manga không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước khác.

Câu chuyện kể về Kei Kurono, một chàng trai 17 tuổi sống theo chủ nghĩa “không nghe, không thấy, không biết” nhưng trong một lần làm người tốt khi tình cờ gặp lại người bạn cũ Masaru Kato, cả Kurono lẫn Kato đều bị tàu điện cán chết. Song cái chết ấy không đưa họ đến thiên đàng hay địa ngục mà đưa họ tới một căn phòng kín chưa một quả cầu đen cùng những người vừa chết giống họ.

Hàng đêm, tại căn phòng bí ẩn đó, quả cầu đen được biết đến với tên Gantz phát ra một bản nhạc báo hiệu nhiệm vụ họ phải làm: tiêu diệt người ngoài hành tinh, tích lũy điểm số để đổi lấy một trong ba sự lựa chọn Gantz đưa ra. Cả Kurono lẫn Masaru đã sớm nhận ra, thế giới của Gantz họ mới bước vào còn khủng khiếp hơn cả địa ngục.

Trải qua chặng đường 13 năm với 383 chương truyện, Gantz đã mở ra cả một thế giới rộng lớn sống động cùng chiều sâu vô tận về nội dung, tình tiết, cá tính nhân vật. Ở Gantz, một lần nữa ta quay trở về với những câu hỏi đầy nhức nhối của nhân loại: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Cuối cùng ta sẽ đi về đâu? Hoặc về giá trị sống của một con người: sống tức là chiến đấu và hành động, sống tức là yêu và được yêu, sống tức là hi sinh cho một lí tưởng nhất định hay đơn thuần, sống chỉ để tận hưởng những phút giây đẹp đẽ nhất mà ta còn được hít thở bầu không khí với tư cách là một con người.

IV. Me-teru no kimochi (2006-2007)

Trái ngược với Gantz trước đó (và Inuyashiki sau này), Me-teru no kimochi được xây dựng với nội dung, tình tiết hoàn toàn từ cuộc sống thực về một anh chàng mắc hội chứng hikikomori – Koizumi Shintaro, giam mình trong phòng suốt 15 năm cuộc đời. Bởi sự quy kết cái chết của mẹ là do cha gây nên nên anh ta coi việc không ra khỏi phòng suốt 15 năm như một hình thức trả thù đời cùng người ta tội lỗi.

Song anh ta tính không bằng trời tính. Vì giao kèo nếu cha Shintaro có thể có bạn gái, anh ta sẽ bước chân ra khỏi cửa mà mối quan hệ giữa ông bố sắp chết vì ung thư với người tình 20 tuổi – Yoshinaga Haruka được công bố. Nhưng ngay trong tuần trăng mật, Haruka đã trở thành góa phụ. Và vì tình yêu, vì trách nhiệm, cô quyết định ở lại căn nhà trống, tìm mọi cách giúp đỡ Shintaro tái hòa nhập cộng đồng.

Không phủ nhận, trong Me-teru no kimochi, anh main thực sự khiến người đọc cảm thấy ức chế dây thần kinh, máu dồn lên não; kết truyện đến quá mức đột ngột, tình tiết truyện còn nhiều rối rắm chưa giải quyết. Nhưng dẫu thế nào, bộ truyện chỉ với 3 tập ấy cũng kịp gợi lên trong lòng độc giả những giá trị hết sức nhân đạo trong cuộc sống: về tình yêu, về việc sống thế nào để cho ra dáng một con người, đặc biệt là trách nhiệm của một người đối với gia đình, xã hội và nhất là với chính bản thân anh ta. Người thân có thể cầm tay anh dắt anh ra đến cửa, nhưng bước đi đến với xã hội phải do chính anh lựa chọn.

V. Inuyashiki (2014-2017)

Được đánh giá là siêu phẩm thứ 2 sau Gantz, Inuyashiki là câu chuyện về một ông bác 58 tuổi mắc ung thư giai đoạn cuối, sống nội tâm, cô đơn trong chính căn nhà cùng với gia đình của mình, chỉ có chú chó Hanako làm bạn và cậu học sinh 17 tuổi điển trai có cuộc sống gia đình với sự đổ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ: Shishigami Hiro. Hai con người, hai thế hệ, hai số phận tình cờ gặp nhau rồi bất ngờ gặp cùng một thảm họa thiên thạch rơi khiến cơ thể họ bị biến đổi. Nhưng khi ông lão Inuyashiki Ichiro lựa chọn con đường trở thành một người hùng thầm lặng, cứu vớt những mảnh đời khốn khó thì cậu thanh niên Shishigami Hiro lại lựa chọn con đường giết chóc không lối về.

Kết cục của hai con người đó đã định và độc giả có thể dễ dàng đoán được: tà không thể thắng chính. Song cái kết cuối cùng của Inuyashiki đã nâng tầm tác phẩm lên một trong các siêu phẩm của làng seinen đồng thời để lại bao dư âm mãi về sau cho những ai đã từng đọc qua tác phẩm này.

Không trải dài quá trình sáng tác đến 13 năm như Gantz, cũng không có số lượng chương truyện đồ sộ như siêu phẩm trước đó tuy nhiên cả câu chuyện lớn gói gọn trong 85 chương thực sự đã gợi lên bao giá trị nhân văn trong cuộc đời. Về cách sống của một con người sao cho đúng với hai tiếng con người viết hoa, về sự hy sinh thầm lặng, về một sự thức tỉnh lương tri, dẫu đớn đau muộn màng nhưng vẫn là sự thức tỉnh đáng quý.

VI. Gantz: G (2015-2017)

18 chương truyện của Gantz: G có thể coi như một phần spin off của bộ truyện Gantz đã kết thúc trước đó 2 năm. Khó có thể đặt được phần truyện này vào vị trí nào trong 383 chương truyện của Gantz nhưng có lẽ, đây là câu chuyện xảy ra trước khi nhóm của Kurono đột nhập lên căn cứ của người ngoài hành tinh 4 mắt và diễn ra tại một phòng Gantz khác với căn phòng của Kurono.

Cũng như bao đội Gantz khác, những người đã chết tập hợp tại một căn phòng bí ẩn, phải chiến đấu chống lại đám người ngoài hành tinh để giành giật từng điểm số để đổi lấy một trong ba lựa chọn. Và cũng như bộ truyện đã kết thúc trước đó 2 năm, những người mới xuất hiện trong căn phòng Gantz luôn bỏ ngoài tai lời cảnh báo của người đi trước. Sự đố kị, nhỏ nhen trong con người; nỗi lo sợ khi đối mặt với cái chết mà không biết khi nào mình sẽ chết, càng không biết bản thân sẽ chết một cách khủng khiếp như thế nào; sự hi sinh, đoàn kết để làm nên kì tích… Tất cả những điều đã tạo nên một bộ truyện Gantz kinh điển lần nữa trở lại trong 18 chương truyện này.

Song khác với Gantz, cuộc sống của đội Gantz ở phần G “dễ thở” hơn nhiều so với những gì đội nhóm mà Kurono đã trải qua. Ít ra, 6 cô gái còn sống sót sau lần đầu tiên tiếp xúc với Gantz không bị triệu đến căn phòng chứa quả cầu đen mỗi tối. Họ còn có thời gian để cùng nhau luyện tập nâng cao sức chiến đấu trước khi vào trận chiến thực sự. Không như những gì Kurono đã trải qua: phải tự mình mày mò, tự mình trưởng thành qua từng trận chiến.

Và đặc biệt, Gantz: G không quá bi thương bởi chí ít, đến cuối cùng 6 cô gái vẫn tiếp tục cùng nhau chiến đấu. Bởi đến cuối cùng, họ có thể trừ bỏ hết những ích kỉ cá nhân trước đó để cùng chung một hi vọng, cùng chung động lực là chiến đấu lấy lại sinh mạng cho hai người đi trước đã giúp đỡ họ cách để sinh tồn trong thế giới Gantz đầy chết chóc.

VII. Gigant (2017-???)

Tác phẩm mới nhất này của Hiroya Oku đề cập tới Rei Yokoyamada, một học sinh trung học có người cha là chủ một studio làm phim nổi tiếng nên từ nhỏ, Rei đã nung nấu ý chí tạo nên những kiệt tác điện ảnh để đời. 17 tuổi, Rei bắt đầu thực hiện ước mơ nhưng mọi thứ đã chết ngay từ trong trứng nước do main nữ cậu chọn không thể tiếp tục dự án điện ảnh. Giữa lúc buồn bã vì dự án bị drop vô thời hạn cùng sự thúc ép của người cha sau khi biết điểm số môn toán tệ hại của cậu, Rei bất ngờ bắt gặp tấm áp phích nói rằng Papiko, nữ idol JAV cậu hằng ngưỡng mộ hiện đang sống tại khu cậu ở. Vì thế, giữa đêm Rei đã đi thu dọn hết các tấm áp phích đó để rồi tình cờ, cậu thật sự được gặp idol trong mơ.

Nhưng sau đó, những chuyện kì lạ liên tục xuất hiện, xảy đến không chỉ với riêng cuộc sống của Rei Papiko mà còn diễn ra trên toàn nước Nhật.

Mới đi được một chặng đường ngắn nhưng Gigant đã gợi lên khá nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội: sự cô đơn của con người, niềm khát khao kiếm tìm một điểm tựa, mạng xã hội và chúng ta dường như không chỉ bị mạng xã hội chi phối mà hơn cả đang bị nó khai tử…

Tạm kết

Trải qua một chặng đường dài sáng tạo không ngừng nghỉ trong hơn 30 năm, đến nay, cái tên Hiroya Oku dường như đã trở thành một “thương hiệu” mà hễ nhắc đến những mangaka nổi danh trong làng manga seinen, không thể không nhắc đến ông. Các sáng tác của sensei lôi cuốn người xem không chỉ bởi nội dung cuốn hút mà hơn cả là chiều sâu ý nghĩa, triết lí trong từng nhân vật ông xây dựng, trong từng tình tiết dẫu là nhỏ nhất ông tạo dựng lên.

Nguồn: Mọt (Takoyaki) - http://takoyaki.asia/2018/08/17/takoyaki-list-nhung-chang-duong-cua-mangaka-hang-dau-lang-seinen-hiroya-oku/